Dưới đây là tổng hợp các câu hỏi được các đơn vị quan tâm nhất khi đăng ký tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)
Ngoài ra, nếu có bất kì điều gi thắc mắc, hãy đăng ký hướng dẫn trực tiếp để được Văn phòng giải đáp sớm nhất có thể!
1. Nhiệm vụ hằng năm, định kỳ thuộc Đề án 844 là gì?
Là danh sách các vấn đề/đề bài/nhiệm vụ để các đơn vị nộp hồ sơ đăng ký giải quyết theo cách của họ nhằm phục vụ Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Sau khi được phê duyệt phương thức thực hiện và dự toán, đơn vị sẽ được nhận hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn Ngân sách nhà nước.
2. Cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
Các đơn vị cần chuẩn bị:
1. Thuyết minh nhiệm vụ
Văn bản trình bày phương pháp mà đơn vị đề xuất để giải quyết được nhiệm vụ.
Áp dụng Mẫu C2.1a-TMHT dành cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Phụ lục Thông tư số 01.
2. Dự toán kinh phí
Bảng dự toán các kinh phí để thực hiện các hoạt động mà đơn vị đề ra trong Thuyết minh. Áp dụng mẫu Mẫu C2.1a-TMHT dành cho tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Phụ lục Thông tư số 01.
3. Bản giải trình, cam kết, văn bản thỏa thuận, giấy xác nhận
Các văn bản chứng minh đơn vị đáp ứng đủ tiêu chí cứng của đơn vị chủ trì và liên danh theo quy định tại Mục II Điều 1 Quyết định số 844/QĐ-TTg tính đến thời hạn nộp hồ sơ.
Các văn bản, giấy xác nhận cần có xác thực bằng dấu đỏ và chữ ký tươi.
Chi tiết xem thêm tại Sổ tay hướng dẫn đơn vị nộp hồ sơ tham gia nhiệm vụ thuộc Đề án 844:http://bit.ly/Sotay_Dean844
3. Mức hỗ trợ kinh phí của Đề án 844 là bao nhiêu? Có mức trần cho các đơn vị không?
Đa số các đơn vị hiện nay nhận thực hiện các nhiệm vụ hàng năm, định kỳ với mức hỗ trợ từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, Đề án 844 không có mức trần cho kinh phí hỗ trợ đơn vị, tùy vào tính hợp lý và hiệu quả của các hoạt động đơn vị đề ra mà kinh phí sẽ được cấp tương ứng một cách phù hợp theo quy định.
4. Tôi có thể tham gia Đề án 844 với tư cách cá nhân không?
Không thể. Các cá nhân phải thông qua Tổ chức có pháp nhân để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 844.
5. Cách thức báo cáo tiến độ công việc?
Trong thời gian 1 năm đơn vị thực hiện nhiệm vụ hàng năm, định kỳ, ban điều hành Đề án 844 sẽ tiến hành ít nhất 2 đợt gọi kiểm tra báo cáo định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) cho đơn vị. Đồng thời, sẽ có các đoàn kiểm tra đột xuất tùy vào các hoạt động mà đơn vị triển khai trong năm.
6. Giấy tờ chứng minh tiêu chí cứng bản photo có được không?
Giấy tờ chứng minh tiêu chí cứng có thể là bản photo nhưng cần có công chứng bằng dấu đó và chữ ký tươi.
7. Có bắt buộc nộp đề xuất nhiệm vụ thì mới tham gia Đề án 844 không?
Không. Đơn vị không tham gia nộp Đề xuất nhiệm vụ vẫn có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ của năm đó.
8. Làm sao để thiết kế thuyết minh và dự toán kinh phí một cách hiệu quả để được phê duyệt?
Để thực hiện thuyết minh và dự toán kinh phí một cách hiệu quả, đơn vị lưu ý:
Đối với thuyết minh:
- Nội dung và hoạt động phải liên kết và logic với yêu cầu của nhiệm vụ cũng như thứ tự thời gian thực hiện.
- Cần có mô tả/giải thích để chứng minh sự cần thiết, hợp lý của các hoạt động dự kiến triển khai.
- Cần có con số cụ thể, định lượng cho từng hoạt động làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán kinh phí.
Đối với dự toán kinh phí:
- Dự toán kinh phí được xây dựng phù hợp và bám sát các văn bản quy định như: Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH về chi chuyên gia, Thông tư số 40/2017/TT-BTC về công tác phí, Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hội thảo, hội nghị,...
Chi tiết xem thêm tại Sổ tay hướng dẫn đơn vị nộp hồ sơ tham gia nhiệm vụ thuộc Đề án 844: http://bit.ly/Sotay_Dean844
9. Sau khi nộp hồ sơ thì sau bao lâu được nhận kinh phí hỗ trợ?
Thời gian từ lúc nộp hồ sơ cho đến khi chính thức được nhận phê duyệt kinh phí dao động trong khoảng 6 tháng.
Đơn vị thực hiện đầy đủ các bước trong Quy trình tuyển chọn đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844:
1. Đơn vị nộp đề xuất nhiệm vụ
2. Bộ KH&CN công bố danh mục nhiệm vụ
3. Đơn vị nộp hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ
3. Vòng thẩm định hành chính
4. Vòng đánh giá thuyết minh
5. Vòng thấm định kinh phí
6. Quyết định phê duyệt và ký hợp đồng
7. Triển khai thực hiện các hoạt động
8. Nghiệm thu
Lưu ý, danh mục các nhiệm vụ Đề án 844 công bố là nhiệm vụ triển khai trong năm tiếp theo (ví dụ là năm 2020), do đó đơn vị triển khai nộp hồ sơ từ năm nay (năm 2019) để thời gian được phê duyệt và chính thức triển khai sẽ vào đúng năm tới (năm 2020).
10. Startup có thể tham gia Đề án 844 không?
Ở giai đoạn hiện tại, Đề án 844 chỉ triển khai hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp có năng lực và kinh nghiệm trên cả nước.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ đó có thể hưởng lợi từ các hoạt động do Đề án 844 phê duyệt triển khai.
Đối tượng có thể tham gia đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844:
-Trường đại học, viện nghiên cứu.
-Các tổ chức có hoạt động đào tạo, huấn luyện cho cá nhân khởi nghiệp ĐMST, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư khởi nghiệp, cán bộ quản lý.
-Tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST.
-Tổ chức truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST.
-Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
-Tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
11. Đơn vị tôi ở xa Hà Nội thì có được hướng dẫn tham gia nhiệm vụ không?
Với đơn vị ở xa Hà Nội, có thể được nhận hướng dẫn thông qua điện thoại hoặc skype. Trường hợp ở cùng khu vực có nhiều đơn vị đăng ký tham gia Đề án 844, đơn vị có thể đề xuất để đại diện Ban điều hành Đề án 844 về địa phương tổ chức buổi hướng dẫn trực tiếp tại đây:http://bit.ly/Huongdan_Dean844
12. Tiêu chí cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ là gì?
Tiêu chí dành cho 2 hình thức nộp sẽ khác nhau:
1. Đối với Tổ chức nộp hồ sơ theo hình thức độc lập:
a. Tổ chức đăng ký chủ trì phải là pháp nhân theo luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có tài khoản và con dấu.
b. Người đứng đầu tổ chức phải có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
c. Tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
d. Tổ chức đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
2. Đối với Tổ chức nộp hồ sơ theo hình thức liên danh :
a. Đáp ứng các điều kiện như trong trường hợp nộp hồ sơ độc lập
b. Liên danh đã cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
c. Liên danh có thoả thuận hợp tác bằng văn bản giữa các bên, chứng minh được vai trò của các bên, phương án hợp tác và triển khai khả thi đối với dự án.
13. Một đơn vị được tham gia bao nhiêu nhiệm vụ?
Không có giới hạn số nhiệm vụ một đơn vị có thể đăng ký tham dự.
Nếu dự án có kế hoạch tốt và có phương án khả thi để đơn vị thực hiện thì Đề án 844 hoàn toàn có thể cấp kinh phí cho đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ, với mức kinh phí hỗ trợ lớn hơn.
---------------------------------------------------------------------------------------
ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THUỘC ĐỀ ÁN 844 NĂM 2020
VĂN PHÒNG ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HST KHỞI NGHIỆP ĐMST QUỐC GIA (ĐỀ ÁN 844)
🚩Thông báo tuyển chọn: http://bit.ly/844Call_2020
☑️Danh mục nhiệm vụ năm 2020: http://bit.ly/Danhmuc844_2020
🔷 Hạn chót nộp hồ sơ: 03/06/2019
📞Đăng ký hướng dẫn: http://bit.ly/Huongdan_Dean844
📙Sổ tay hướng dẫn đơn vị: http://bit.ly/Sotay_Dean844
🔷Email: vanphongdean844@most.gov.vn
🚩Điạ chỉ: Phòng 402, Bộ Khoa Học & Công Nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
📞Hotline: 024 355.606.21
🌎Facebook: https://www.facebook.com/vanphongdean844/
☑️Website: http://dean844.most.gov.vn/