Bộ khoa học & công nghệ

Đề án Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025

Hỗ trợ khởi nghiệp: còn nhiều việc phải làm

(TBKTSG) - Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiếp tục thúc đẩy triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 (Đề án 844). Liên quan vấn đề này, TBKTSG đã phỏng vấn ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành viên Ban điều hành Đề án 844, và ông Huỳnh Kim Tước, Tổng giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (SIHUB), đơn vị điều hành dự án tại TPHCM.



TBKTSG: Lộ trình triển khai Đề án 844 trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quất: Đề án 844 được triển khai theo hai giai đoạn: 2017-2020 và 2020-2025. Giai đoạn 1 tập trung vào các chính sách, các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN). Giai đoạn 2 sẽ chọn hỗ trợ những cá nhân, nhóm và những DNKN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Bộ KH&CN đã giao các đơn vị chức năng xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) quốc gia và tổ chức các ngày hội KNĐMST nhằm cung cấp thông tin và kết nối các chủ thể của hệ sinh thái, liên kết với các hoạt động KNĐMST trên thế giới.

TBKTSG: Hoạt động khởi nghiệp ở TPHCM khá sôi nổi, xin cho biết cách tiếp cận của thành phố trong triển khai đề án này?

Ông Huỳnh Kim Tước: TPHCM thiết kế các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp mang tính dài hạn và hệ thống nhưng linh hoạt theo quá trình phát triển của doanh nghiệp và không thoát ly định hướng hội nhập với thế giới. Chương trình “Runway to the world” hợp tác với Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore... nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp KNĐMST trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với bên ngoài, đồng thời, qua hệ sinh thái khởi nghiệp trực tuyến, có thể thị trường hóa các sản phẩm nghiên cứu hay giúp đấu giá, đấu thầu các doanh nghiệp KNĐMST.

Thành phố cũng có một chương trình nhằm hình thành các cơ chế hỗ trợ đầu tư, vay vốn, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho DNKN.

Nhưng nếu nhìn dài hạn, chúng tôi nghĩ cần bắt đầu từ giáo dục phổ thông lên tới đại học. Đây là nơi cung cấp nguồn lực đa dạng cho khởi nghiệp: con người, kiến thức, những nghiên cứu về mô hình kinh doanh, chất xám đóng góp cho chính sách... Hiện kiến thức khởi nghiệp vẫn còn mới mẻ trong không gian đại học ở Việt Nam nên SIHUB đã liên kết với Đại học Stanford, Đại học Phần Lan... đào tạo giảng viên nguồn, chọn 15 trường đại học để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp cho từng trường. Còn tại hơn 40 trường đại học khác thì sẽ tổ chức các buổi tọa đàm nhằm cung cấp kiến thức cho sinh viên và các giảng viên trẻ về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên được trau dồi kỹ năng khởi nghiệp qua các cuộc thi liên kết tổ chức với các doanh nghiệp như Bosch hay Microsoft.

TBKTSG: Bộ KH&CN được giao xây dựng dự thảo Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF). Nghe nói DNKN được bổ sung vào đối tượng được nhận sự hỗ trợ của quỹ?

Ông Phạm Hồng Quất: Đúng vậy. Dự thảo điều lệ sẽ bổ sung một số nội dung về hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp KNĐMST đáp ứng các điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tiêu chí do quỹ đề ra đối với từng ngành, từng lĩnh vực.

TBKTSG: Trên thực tế, các DNKN vẫn khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ về vốn...

Ông Huỳnh Kim Tước: Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ở TPHCM đã có từ nhiều năm nay. Tính đến nay đã có khoảng 1.100 dự án KNĐMST nhận được sự hỗ trợ với những cấp độ khác nhau. Riêng chương trình Speedup đã cấp hơn 50 tỉ đồng cho khoảng 45 dự án đã và đang triển khai. Số lượng DNKN được Speedup cấp vốn không nhiều là do tỷ lệ ý tưởng KNĐMST được đánh giá có tiềm năng chỉ ở mức 1%. Hiện TPHCM vẫn còn nguồn quỹ khoảng 1.000 tỉ đồng để hỗ trợ các dự án KNĐMST. Chương trình Speedup vẫn thường xuyên tuyển chọn dự án qua các đầu mối là các vườn ươm. Do vậy, các bạn khởi nghiệp nên làm việc với các vườn ươm để xây dựng dự án của mình hoàn hảo hơn trước khi đến với hội đồng thẩm định.

Ngoài nguồn vốn, các cấp độ hỗ trợ khác của thành phố cho các dự án như hỗ trợ về văn phòng chung (coworking space), về tư vấn kinh doanh, về quản lý nhân sự..., theo thực tế của từng dự án.

TBKTSG: Mức độ thành công của các dự án nhận hỗ trợ được ghi nhận như thế nào?

Ông Huỳnh Kim Tước: Sự thành công của các dự án được ghi nhận ở nhiều cấp độ. Mức thấp là dự án phát triển được thành doanh nghiệp. Các mức tiếp theo là hoạt động có doanh thu, có sự tăng trưởng, gọi được vốn, mở rộng được quy mô hoạt động... Theo quan sát của chúng tôi thì các dự án liên kết với các vườn ươm nước ngoài có tỷ lệ thành công cao.

TBKTSG: Quá trình triển khai Đề án 844 có gặp phải những trở ngại nào?

- Ông Phạm Hồng Quất: Hỗ trợ KNĐMST là hoạt động còn mới mẻ ở Việt Nam. Việc xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ còn gặp những khó khăn, đặc biệt là ở cấp địa phương. Ngay cả cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có nhận thức đúng đắn và thống nhất về KNĐMST. Nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn chế. Các định mức chi hỗ trợ (công lao động, chuyên gia...) còn thấp so với mặt bằng thực tế. Thiếu đội ngũ chuyên gia vừa có lý thuyết vừa có kinh nghiệm kinh doanh để hỗ trợ KNĐMST cũng là vấn đề gây cản trở trong triển khai đề án.

Ông Huỳnh Kim Tước: Theo tôi, hoạt động này còn thiếu các dịch vụ tài chính hỗ trợ. Một vấn đề cần nhìn nhận nữa là ở thời điểm mà Quyết định 844 ra đời, nhiều thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hiện diện. Ví dụ như vai trò của giáo dục trong phát triển khởi nghiệp, như giáo dục sáng tạo, hay giáo dục kinh doanh, chuyển giao công nghệ trong hệ thống đại học...

TBKTSG: Vậy Ban điều hành Đề án 844 và SIHUB có những đề xuất gì cho chương trình hành động sắp tới?

Ông Phạm Hồng Quất: Kế hoạch triển khai sắp tới của Ban điều hành Đề án 844 sẽ dựa theo Công văn số 1635/BKHCN-PTTTDN ngày 31-5-2018 của Bộ KH&CN. Theo đó, tiếp tục xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao năng lực hội nhập và tìm thêm nguồn vốn đầu tư cho DNKN. Ngoài ra là tăng cường liên kết các bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cao kiến thức khởi nghiệp cho các thành phần liên quan.

Ông Huỳnh Kim Tước: Đề án 844 vẫn đang phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn của Quyết định 844, nhưng về lâu dài, cần mở rộng chức năng và triển khai với đầy đủ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp và có một hệ thống đánh giá tác động. Cần có sự đầu tư thể chế, pháp lý và nguồn lực phù hợp hơn. Với một chương trình quốc gia khởi nghiệp thì cần có một ban điều hành trực tiếp (chứ không phải phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm). Một “văn phòng 844” được tăng cường nhiều chức năng thì tính chuyên môn và tính khả thi sẽ cao hơn.

Cũng nên có một quỹ mở tạo nguồn vốn vay hoặc chính sách cho các DNKN vay. Hiện nay chúng ta có hàng trăm đầu mối triển khai về khởi nghiệp trên cả nước mà mỗi nơi như vậy cần rất nhiều nguồn tài chính làm kinh phí hoạt động thường xuyên. Riêng TPHCM, theo tôi, cần có 1.000-2.000 tỉ đồng mới đủ thúc đẩy các hoạt động.

Theo Mỹ Huyền - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận Facebook

Mục tiêu dự án

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp