Đã từ lâu, trường đại học được biết đến như là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bởi nơi này hội tụ nhiều điều kiện phù hợp để ươm mầm và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp. Nhắc đến thung lũng Silicon, người ta nhớ đến vai trò của Đại học Stanford trong việc hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. Tương tự như vai trò của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) trong việc hình thành hệ sinh thái tại Vùng đô thị Boston. Theo chia sẻ của ông Lê Nhật Quang – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ phần mềm ITP - Đại học Quốc gia TPHCM, lợi thế của các trường đại học đến từ nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh đó là hỗ trợ về công nghệ, các trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… “Với nguồn lực lớn (70.000 sinh viên, 300-400 giáo sư, 1300 tiến sĩ và 15 trường đại học lận cận), Đại học Quốc gia TPHCM có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố HCM cũng như trong khu vực”, ông Quang khẳng định.
Cùng chung quan điểm với ông Quang, Bà Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng Trường Đại học là nền tảng lý tưởng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường. Bên cạnh sự hỗ trợ đến từ các trung tâm khởi nghiệp, trường còn huy động sự tham gia và hỗ trợ từ mạng lưới cựu sinh viên, ban lãnh đạo nhà trường cùng với các giảng viên, doanh nghiệp và đã tổ chức nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, đầu tư, các chương trình đào tạo, các cuộc thi khởi nghiệp và tọa đàm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... nhằm tìm kiếm và kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.
Bà Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân
Tận dụng nguồn lực và kết nối thường xuyên với mạng lưới cựu sinh viên cũng chính là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Đại học Bách khoa. Chia sẻ về phương pháp mà Đại học Bách Khoa đang áp dụng, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc vườn ươm BK-Holdings cho biết: “Chúng tôi và các cựu sinh viên đã cùng nhau sáng lập nên Quỹ đầu tư khởi nghiệp BK Fund và chính họ là các nhà đầu tư chủ chốt. Không chỉ đầu tư tài chính, BK Fund còn đóng vai trò cố vấn, đối tác kinh doanh cho những mô hình thương mại hóa công nghệ.”
Tại Đại học Ngoại Thương, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo luôn luôn cần thiết do xuất phát từ nhu cầu khởi nghiệp nội tại của sinh viên trong trường. Trong thời kỳ đầu, tạo ra một mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang đặc trưng kinh doanh quốc tế của nhà trường là hết sức khó khăn do trường chưa có nguồn lực. "Tất cả bắt đầu ở trong căn phòng chưa tới 40m2 trong trường. Bản thân chúng tôi không có nguồn lực để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên lâu dài mà có thể miễn phí được", tiến sĩ Lê Thu Hà, đại diện trường chia sẻ. Bà cho biết, với xuất phát điểm đó, trường đã dày công nghiên cứu, xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường và nguồn lực hiện có. Thành quả đạt được hiện tại là các chương trình đào tạo - kết nối mạng lưới sinh viên và chuỗi hoạt động ươm tạo thúc đẩy khởi nghiệp. Bà nhận định, trong tương lai, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ vẫn tiếp tục là 1 trong số 3 trụ cột phát triển của Đại học Ngoại Thương: "Khởi nghiệp sáng tạo là quá trình chuyển giao tri thức từ trường đại học cho các doanh nghiệp, do vậy trở thành một trong những chiến lược phát triển của nhà trường".
Mô hình kết nối doanh nghiệp và trường Đại học: Khó khăn và giải pháp
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT - Tổng Công ty cổ phần Viễn thông Quân đội Viettel
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT - Tổng Công ty cổ phần Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, hiện nay hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp lớn cho startup còn triển khai chậm vì nhiều lý do. Vì vậy cần có thêm sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên khởi nghiệp. Cụ thể, các chương trình đào tạo cần có sự tham vấn với doanh nghiệp, đặc biệt các trường cần phối hợp với doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành để xây dựng chương trình học phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển thế giới.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Hiệp (BK-Holdings) cho biết, hiện các trường đại học mới chỉ tập huấn chủ yếu về lý thuyết nên cần sự hợp tác với các vườn ươm khởi nghiệp như BK-Holdings nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, ươm tạo những đề tài, dự án thành sản phẩm thương mại và mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó các vườn ươm còn có vai trò kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu cũng như sinh viên các trường đại học, kết nối môi trường đại học và thực tế.
Mô hình kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giữa startup - tập đoàn
Sự kết hợp giữa các startup và các tập đoàn đã và đang trở thành mô hình kết nối phổ biến trên toàn cầu và cả ở Việt Nam. Về phía startup, họ nhận được nhiều lợi ích như được tiếp cận với các nguồn lực của tập đoàn. Còn về phía tập đoàn, họ có được mô hình kinh doanh tiềm năng, tiếp cận được các khách hàng khác nhau và đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của họ thông qua những giải pháp mới, trên nền tảng công nghệ mới mà các startup đem lại.
Một ví dụ điển hình cho hợp tác startup - doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân được kể đến trong hội thảo là sự kết hợp giữa Vbee và Vingroup. Sáng lập bởi một nhóm cựu sinh viên Bách Khoa vào năm 2019, Vbee - một startup trong lĩnh vực công nghệ lõi cung cấp giải pháp chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo (text-to-speech), là 1 trong 12 doanh nghiệp nhận được vốn hỗ trợ lên tới 10 tỷ đồng đến từ quỹ VinTech Fund, tập đoàn Vingroup. Đại diện Vbee chia sẻ: "Bản thân là một startup đã rất khó khăn, Vbee lại là startup về công nghệ tiên phong tại Việt Nam, chúng tôi giống như "vừa đi vừa dò đường". Việc gọi vốn không hề đơn giản như trước nữa nên khi nhận được sự tài trợ từ Vingroup, đó là bước chuyển mình rất quan trọng đối với startup chúng tôi”. Ngoài việc hỗ trợ về mặt tài chính, các chuyên gia công nghệ uy tín đến từ Vingroup đã đem tới những tư vấn về công nghệ, sản phẩm, thị trường giúp Vbee tìm ra giải pháp, mô hình kinh doanh tối ưu nhất. Cụ thể hơn, giải pháp text-to-speech mà Vbee đem lại sẽ được áp dụng trong hệ thống chăm sóc khách hàng và bán hàng tự động trong hệ sinh thái của VinGroup như VinSmart, Vinfast.. “Có thể nói nhận được sự thẩm định tới từ tập đoàn lớn như Vingroup giúp tạo nên uy tín cho Vbee để tiến ra thị trường”, đại diện Vbee khẳng định.
---
Để tham gia đồng hành cùng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (NSSC), các địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia nhiệm vụ “Kết nối, phát triển đối tác thúc đẩy nguồn lực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” trong khuôn khổ các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 được công bố mới đây tại trang thông tin của Đề án 844, Bộ KH&CN: http://dean844.most.gov.vn/
----
Về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)
Đề án 844 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Sau hơn 04 năm triển khai, Đề án đã đồng hành cùng hơn 100 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và phát triển kế hoạch triển khai Đề án tại 53 tỉnh/thành trên toàn quốc, hỗ trợ được gần 2000 dự án, 500 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 52 doanh nghiệp kêu gọi được vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.
Từ tháng 08/2020, Bộ KH&CN, Đề án 844 thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ năm 2021 đến hết ngày 07/09/2020. Các nhiệm vụ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ sáng lập của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ sinh thái, cũng như thúc đẩy truyền thông và kết nối với các mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (Xem thêm Danh mục nhiệm vụ). Các đơn vị nộp bộ hồ sơ gồm thuyết minh, dự toán và các văn bản, giấy tờ chứng minh năng lực kèm theo về địa chỉ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Phòng 1116, trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Số 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội).
Mọi thông tin hỗ trợ, xin liên hệ:
E: vanphongdean844@most.gov.vn