Bộ khoa học & công nghệ

Đề án Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025

Khi sáng tạo gặp kinh doanh: nâng cao giá trị thương hiệu của startup

Dựa theo dữ liệu thu được từ khảo sát “Thực trạng và tình hình hoạt động của các startup tại Việt Nam”, cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đã nhận thức và đánh giá cao giá trị của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), thể hiện bức tranh toàn cảnh về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Khảo sát do Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững – MSD United Way Việt Nam thực hiện.

Khảo sát được triển khai trong suốt 8 tháng đầu năm 2023 nhằm thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin chi tiết về tình hình sức khỏe các chủ thể trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho Ban Điều hành Đề án 844, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, giúp họ xây dựng kế hoạch và định hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Kết quả thu được gần 200 phiếu khảo sát từ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phần nào cung cấp các thông tin có ý nghĩa về bức tranh hệ sinh thái trong những năm khó khăn vừa qua nói chung và vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các startup nói riêng.

Bối cảnh startup trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp

Đến nay, Việt Nam đã có gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể kể đến như công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính hay trong các lĩnh vực truyền thống như du lịch, bất động sản. Trong bối cảnh ấy, sở hữu trí tuệ được xem là loại tài sản có giá trị lớn và giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Sở hữu trí tuệ bao gồm nhiều dạng như tên thương mại, bí mật kinh doanh, bằng sáng chế, nhãn hiệu, quyền tác giả…

Theo dữ liệu thu thập được, 63% các startup tham gia khảo sát cho rằng sở hữu trí tuệ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong quá trình khởi sự. Số liệu này có thể được giải thích thông qua sự xuất hiện gia tăng của các buổi tư vấn chuyên sâu, workshop về những lợi ích của việc đăng ký SHTT trong thời gian qua trên cả nước. Các chiến dịch này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình đăng ký SHTT mà còn tập trung vào việc làm thế nào sở hữu trí tuệ có thể làm tăng giá trị, bảo vệ ý tưởng và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Ảnh 1: Tỷ lệ phần trăm các doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu trí tuệ

Ông Phan Ngân Sơn – Phó cục trưởng Cục SHTT cho rằng tầm quan trọng của SHTT đối sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo nói riêng được thể hiện rất rõ ràng. Đơn cử như tại Mỹ, chỉ một vài thập kỷ trước, tài sản vô hình như SHTT chỉ chiếm khoảng 20% tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2005, tỷ lệ tài sản vô hình của doanh nghiệp đã tăng lên, chiếm khoảng 80% và đến năm 2015, con số này là 87%.

Công ty trò chơi CocoNut (Mỹ) là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Không giống như nhiều công ty mới thành lập, CocoNut đã đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ngay khi sản phẩm còn là ý tưởng. “ScaryCats” là tên trò chơi có bằng nhãn hiệu độc quyền, có doanh số bán hàng tăng trưởng đều đặn hàng năm. Sau vài năm có mặt trên thị trường, Hollywood Studio đã liên hệ với CocoNut để được phép sử dụng nhãn hiệu này. Ngoài ra, khi nghiên cứu nhãn hiệu “Super Granny”, phòng Pháp chế của CocoNut đã phát hiện một công ty trò chơi có tên DoNut đã có bằng độc quyền với nhãn hiệu “Granny 3D”. CocoNut đã liên hệ với DoNut về ý định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Super Granny và được DoNut chấp nhận do sản phẩm mà hai công ty cung cấp không giống nhau và không có khả năng gây nhầm lẫn trong tâm trí người tiêu dùng.

Theo Anh Phạm Minh Công, Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Thiết bị tự động SE, start-up với công nghệ sản xuất máng ăn cho heo tự động đã giành giải Ba toàn quốc Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên 2017, chia sẻ: khi mới hình thành ý tưởng ban đầu, anh chỉ tập trung xây dựng đội nhóm, phát triển sản phẩm và quảng bá rộng rãi trên thị trường mà quên mất mình vẫn chưa xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Rất may sản phẩm của anh sau đó một thời gian vẫn chưa có ai nhanh tay đăng ký nên anh có thời gian để đẩy nhanh hoàn thiện quá trình này trước khi quá muộn.

Bên cạnh đó, thời gian qua ở Việt Nam có không ít doanh nghiệp Việt Nam phải chật vật để đòi lại thương hiệu, nhãn hiệu, bảo vệ quyền tác giả bị xâm phạm, tranh chấp ở thị trường nước ngoài. Gần đây nhất, liên quan vấn đề bản quyền trên Youtube, ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group, công ty vận hành 500 kênh YouTube và các nền tảng khác, cho biết trong quá trình kinh doanh trực tuyến, công ty đã gặp những vấn đề tranh chấp bản quyền với các đơn vị khác trên YouTube. Cụ thể, có nội dung về âm nhạc do Ant Group sản xuất nhưng bị một đơn vị khác “nhanh tay” đăng ký nên mất bản quyền, khiến doanh nghiệp không thể sản xuất nội dung về bài hát đó trên YouTube. Đại diện Ant Group chia sẻ: “Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề”.

Các startup cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm ngay khi gia nhập thị trường

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu biểu là Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đến năm 2030. Chương trình giai đoạn 2021-2030 đã được xây dựng, phê duyệt với quan điểm đổi mới cách tiếp cận về nội dung, phương án triển khai so với giai đoạn 2011-2020. Các chính sách đều hướng tới việctạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sở hữu trí tuệ trên cả nước. Đồng thời tiến hành rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nhãn hiệu là một trong những “đối tượng” bị xâm phạm nhiều trên Internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia và toàn cầu hóa như hiện nay, việc phải xác định bảo hộ đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có chiến lược đúng đắn để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.

Ảnh 2: Vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ cần được ngày càng đẩy mạnh hơn nữa

_________________________

Khảo sát được thực hiện bởi Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, MSD Vietnam và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững – MSD United Way Việt Nam..

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ: Bà Dương Ngọc Ánh – phụ trách Truyền thông Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ, email: anhdn@most.gov.vn, điện thoại: 0966.909.903.

Bình luận Facebook

Mục tiêu dự án

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp