Bộ khoa học & công nghệ

Đề án Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025

Hợp tác đầu tư Việt Nam-Trung Đông: Đổi mới, sáng tạo để tạo nguồn lực mới cho phát triển kinh tế bền vững

Việt Nam và các quốc gia Trung Đông có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, có nhiều tiềm năng có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế. Đây là những tiền đề thuận lợi giúp cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển.
 


Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Đại sứ và Đại diện các quốc gia Trung Đông thường trú và không thường trú tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)


Tiềm năng của một Trung Đông đang chuyển mình mạnh mẽ

Trải dài trên vùng lãnh thổ từ Tây Á đến Bắc Phi, khu vực Trung Đông bao gồm 15 quốc gia với diện tích trên 6 triệu km2, dân số gần 350 triệu người, GDP theo sức mua đạt khoảng hơn 6.000 tỷ USD.

Nhiều quốc gia trong khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, có tiềm năng to lớn về tài chính và nguồn vốn, sở hữu nhiều Quỹ đầu tư công lớn hàng đầu thế giới với tổng số vốn trên 2.000 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là các Quỹ đầu tư của Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Oman...

Trong những năm gần đây, các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực đang chuyển mình mạnh mẽ với nhiều kế hoạch phát triển đất nước tham vọng, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hoá nguồn thu thông qua việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Nhiều Quỹ đầu tư công của các quốc gia Trung Đông sở hữu hoặc có cổ phần lớn trong nhiều tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng thế giới như Boeing, Facebook, Uber, Marriott, Citigroup, Barclays, Morgan Stanley.

Các hoạt động đầu tư theo hình thức mua bán và sáp nhập tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phần nào cho thấy các chiến lược đầu tư ra nước ngoài rất thức thời và linh hoạt của các quốc gia trong khu vực.

Trong chiến lược đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, nhiều quốc gia Trung Đông tích cực triển khai chính sách hướng Đông, tăng cường hợp tác với các thị trường châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng…

Sức hút ngày càng lớn của thị trường Việt Nam

Sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, đặc biệt về kinh tế.

Từ một quốc gia gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về kinh tế. Từ mức GDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ đạt 188 USD, năm 2020 con số này đã lên đến 3.520 USD, tăng hơn 18 lần.

Năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch bùng phát trên thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước đạt tăng trưởng dương với quy mô nền kinh tế đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong danh sách 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam coi trọng việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Những nỗ lực trên cùng các biện pháp thu hút FDI hiệu quả đã giúp cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 29 tỷ USD năm 2020, đưa Việt Nam vào danh sách 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới năm 2020.

Tiềm năng thị trường to lớn, cơ chế chính sách thuận lợi, cùng những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội đã đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác hợp tác quan trọng tại châu Á của các quốc gia Trung Đông.

Hiện nay, có 9/15 quốc gia Trung Đông, trong đó có tất cả các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam trong khu vực, đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn là một “con rồng đang lên” bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19.

 


Tọa đàm về “Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)


Hợp tác đầu tư Việt Nam-Trung Đông: Đổi mới để phát triển

Việt Nam và các quốc gia Trung Đông có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, có nhiều tiềm năng có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế. Đây là những tiền đề thuận lợi giúp cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quốc gia Trung Đông có 135 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn trên 900 triệu USD.

Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể lớn hơn nhiều lần. Thông qua hình thức góp vốn với bên thứ ba, một số nhà đầu tư Trung Đông đã tham gia nhiều dự án lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế tại các địa phương Việt Nam như Nam Định, Thanh Hoá, Thành phố Hồ Chí Minh...

Nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông thông qua các quỹ đầu tư, doanh nghiệp của các nước Anh, Mỹ… tích cực đầu tư gián tiếp (FII) vào thị trường Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, du lịch...

Mặc dù đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận, song kết quả hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của mỗi bên. Nguyên nhân chủ yếu do cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn thiếu thông tin về môi trường đầu tư, nhất là các quy định pháp lý, về tiềm năng thị trường và cơ hội hợp tác.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa, cùng cách kinh doanh cũng là những nguyên nhân khiến cho tiềm năng hợp tác đầu tư chưa được khai thác triệt để.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, giúp tạo động lực vững chắc cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nước ta trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư Việt Nam-Trung Đông, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực nhận diện và giải quyết các “điểm nghẽn” trong hợp tác đầu tư thời gian qua; nắm bắt các xu hướng đầu tư, phát triển mới.

Chúng ta cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ các bài học kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công; đổi mới về tư duy, cách tiếp cận để nâng cao hiệu quả đầu tư giữa hai bên như đa dạng hóa hình thức đầu tư (trực tiếp, gián tiếp, nhiều bên...), mở rộng đầu tư từ các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, bất động sản, du lịch, tài chính, nông nghiệp… sang các lĩnh vực mới như kinh tế số, phát triển xanh, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, nông nghiệp thông minh... với hàm lượng trí thức, giá trị gia tăng cao, khuyến khích đối tác có thể đóng góp bằng “chất xám”, công nghệ, nhân lực, kỹ năng quản lý...

Đây là những hướng đi mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông trên cả các lĩnh vực FDI, FII và góp vốn đầu tư.

Với vai trò “mở đường, đồng hành” của hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao sẽ phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của mạng lưới các Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư với khu vực, nhất là trong các lĩnh vực mới, hai bên có nhu cầu về kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng sạch, chuyển đổi số...; đồng thời chủ động, tích cực hỗ trợ, kết nối địa phương và doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng khu vực để góp phần tạo thêm nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

Theo: Báo Quốc Tế

 

 

 

Bình luận Facebook

Mục tiêu dự án

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp