Bộ khoa học & công nghệ

Đề án Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025

Nhu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Thông qua việc khảo sát một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và nước ngoài đã cho thấy một số nhu cầu cần được đáp ứng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, bao gồm: tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp được nhận vốn đầu tư, phát triển các kĩ năng gọi vốn, quản trị doanh nghiệp, nhân sự cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường sự gắn kết về mặt thông tin trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, hỗ trợ cơ sở vật chất - kỹ thuật từ phía Nhà nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế và xem xét về quy định về việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.

 

Kết quả việc khảo sát một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và nước ngoài cho thấy một số nhu cầu cần được đáp ứng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, gồm có:
Thứ nhất, mặc dù đã có một số quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân ở Việt Nam và một số quỹ từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên số doanh nghiệp khởi nghiệp được nhận vốn đầu tư so với số doanh nghiệp tiềm năng còn rất nhỏ. Ngoài ra, trong giai đoạn ban đầu phát triển mà chưa gặp được các quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST rất cần các đầu tư vốn mồi của Nhà nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn xã hội ở các giai đoạn sau. Nếu không có các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về thuế, đối ứng vốn từ Nhà nước để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ rất khó để nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Thứ hai, các doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm dịch vụ tốt nhưng lại thiếu các kỹ năng về gọi vốn đầu tư, quản trị doanh nghiệp, nhân sự. Độ tuổi trung bình của các sáng lập viên khởi nghiệp tại Việt Nam so với thế giới cao hơn rất nhiều, thường từ 28-29, nghĩa là sinh viên sau khi ra trường một thời gian, tích lũy được kinh nghiệm và nguồn tài chính nhất định mới có thể khởi nghiệp. Do đó, để Việt Nam có thể phát triển được nguồn nhân lực cho khởi nghiệp ĐMST, rất cần có các khóa học, đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ những đào tạo cơ bản từ cấp phổ thông, đến cao đẳng, dạy nghề, đại học, thạc sĩ và các chương trình huấn luyện tập trung tại các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh trong nước và quốc tế.
Thứ ba, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã bắt đầu được hình thành nhưng vẫn chưa được gắn kết về mặt thông tin. Các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa kết nối được với các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ, nhà đầu tư và các chính sách hỗ trợ có liên quan đến họ. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước trên thế giới. Do đó chưa nhiều các nhà đầu tư, quỹ đầu tư hiểu và sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Thứ tư, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST luôn cần có cơ sở vật chất – kỹ thuật như không gian làm việc, hạ tầng mạng tốt, thiết bị thí nghiệm, thử nghiệm để hỗ trợ làm sản phẩm mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng, cơ sở dữ liệu, tài liệu phục vụ nghiên cứu v.v. Các cơ sở vật chất – kỹ thuật này có thể được dùng chung giữa nhiều doanh nghiệp nhưng lại rất tốn kém đối với từng doanh nghiệp. Chính vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ năm, để thực sự đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, giá trị doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần được tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế. Do vậy, họ cần được tạo điều kiện ưu tiên tham gia thị trường mua sắm công; tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần được thường xuyên cập nhật, công nhận để họ có thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới của mình trong nước và xuất khẩu; các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần được thường xuyên tham gia các hội chợ, hội nghị về khởi nghiệp trên thế giới, được truyền thông rộng rãi về sản phẩm, dịch vụ để mở rộng mạng lưới khách hàng.
Thứ sáu, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cần nhất từ Nhà nước là môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều khi vẫn gặp phải các rào cản pháp lý khiến cho hoạt động của họ gặp khó khăn. Đối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, các trung gian thu hút vốn đầu tư, họ rất cần được công nhận, có điều kiện thành lập và hoạt động một cách dễ dàng. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có các quy định về việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân mà chỉ có quy định về việc thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán, với các điều kiện rất ngặt nghèo mà các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp khó có thể đạt được. Chính vì vậy chưa hề có quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp nào được thành lập ở Việt Nam. Ngoài ra, trên thế giới trong khoảng 5 năm trở lại đây xuất hiện mô hình gọi vốn từ cộng đồng, là mô hình mới hỗ trợ gọi vốn rất thành công và nhanh chóng cho các dự án khởi nghiệp mới bắt đầu. Tuy nhiên, đây không phải là quỹ
theo Luật chứng khoán, cũng không phải tổ chức tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng và chưa từng được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Như vậy, nếu không có môi trường pháp lý thuận lợi, các quy định đặc thù cho lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST, sẽ rất khó để phát triển loại hình doanh nghiệp này.

Như vậy để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có thể vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiêp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển thì các nhu cầu trên cần phải được đáp ứng một cách kịp thời và nhanh chóng.

Bình luận Facebook

Mục tiêu dự án

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp