Bộ khoa học & công nghệ

Đề án Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025

Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn đầu khởi nghiệp

Vấn đề pháp lý là một trong những vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần quan tâm trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập và đặc biệt là những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ như các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đây là vấn đề thường ít được chú ý và đôi khi gây ra những hậu quả pháp lý không mong muốn. Do đó, việc ý thức được tầm quan trọng của hiểu biết về pháp lý và sử dụng các dịch vụ pháp lý khi cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu những hậu quả pháp lý khó lường.
 

Ngày 11/09, Văn phòng Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Bộ Khoa học & Công nghệ (Đề án 844), Bộ KH&CN phối hợp cùng UPGen Vietnam tổ chức hội thảo "Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn đầu khởi nghiệp" nằm trong chuỗi chương trình "1H cho Startup" dưới hình thức tọa đàm trao đổi cùng các chuyên gia. Buổi hội thảo xoay quanh nội dung chính về các vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh của startup giai đoạn đầu, bao gồm những lí do startup cần quan tâm đến vấn đề pháp lý, những thủ tục, khó khăn và những rủi ro pháp lý thường gặp. Buổi hội thảo có sự góp mặt của:

  1. Chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Hương Giang – Giám đốc UP & Beyond, điều phối viên hội thảo; 
  2. Luật sư Hoàng Minh Đức, Chuyên viên tư vấn tại Duane Morris LLP - Công ty luật đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ.

  3. Luật sư Lê Văn Hồi, Luật sư điều hành, nhà sáng lập Công ty Luật My Way

 

Những vấn đề pháp lý trong các giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp

 

Mở đầu buổi hội thảo, ông Hoàng Minh Đức giới thiệu các vấn đề pháp lý theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở giai đoạn khởi sự, startup cần có thỏa thuận đồng sáng lập, nêu rõ vốn góp, lợi ích và trách nhiệm tương ứng của mỗi sáng lập viên. Ở giai đoạn gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (seed round) và đối diện với các thỏa thuận đầu tư hấp dẫn, nguy cơ tranh chấp quyền điều hành và quyền sở hữu doanh nghiệp, đặc biệt khi vốn rót của nhà đầu tư mỗi lúc một tăng lên là điều mà mọi startup cần phải lưu ý. Cuối cùng, với các vòng gọi vốn sau đó (series A, B, C) khi doanh nghiệp đã tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường, startup cần quan tâm đến các vấn đề như: sự phân bổ lợi ích giữa các nhà đầu tư, vốn tư nhân (equity), cổ phần ưu đãi... “Tất cả những điều trên đều liên quan đến pháp lý và chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, ông Đức nhấn mạnh. 

 

Tiếp nối buổi hội thảo về vấn đề thành lập doanh nghiệp, luật sư Lê Văn Hồi cho rằng, doanh nghiệp nên có ý tưởng rõ ràng, kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhất là hiểu biết cơ bản về Luật doanh nghiệp. Bước tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định loại hình kinh doanh của tổ chức, tuỳ thuộc vào lĩnh vực cụ thể mà đưa ra lựa chọn phù hợp. Theo Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 thì hiện nay, bên cạnh doanh nghiệp nhà nước, có 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Theo Luật sư Hồi, khi mới thành lập, công ty nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp với nhiều sáng lập viên như công ty TNHH hai thành viên trở lên hay công ty cổ phần, bởi một doanh nghiệp muốn hoạt động lâu dài cần có sự đóng góp và trách nhiệm của nhiều người, thay vì một người như loại hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH một thành viên. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, ông kết luận. 

 

Trong 5 loại hình doanh nghiệp được thảo luận, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp lớn nhất vì sở hữu hình thức tổ chức kinh doanh có khả năng huy động một số lượng vốn lớn trong các tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này cũng có những nhược điểm nhất định. Ví dụ như trong trường hợp giải quyết tranh chấp giữa các cổ đông, căn cứ pháp lý sẽ dựa vào điều lệ công ty thay vì thỏa thuận cổ đông, một hợp đồng mang thuần tính dân sự. Ông Hoàng Minh Đức cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn nói trên hiệu quả, ngay từ đầu, doanh nghiệp nên tìm cách chuyển hóa thỏa thuận cổ đông vào trong điều lệ công ty, bởi điều lệ được coi như “bản Hiến pháp”, bộ luật của công ty, đồng thời còn là nơi các đối tác xem xét, đánh giá về doanh nghiệp.

 

Giải thích về trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan cũng như khách hàng khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán, ông Hoàng Minh Đức bổ sung: “Theo nguyên tắc chung, khi giải thể, doanh nghiệp cần phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước, các chủ nợ, thể hiện thông qua văn bản. Doanh nghiệp cần có hợp đồng ký kết cụ thể, trong đó ghi nhận rõ những điều khoản về thanh toán giữa các bên liên quan.”

 

Những vấn đề pháp lý thường gặp trong quá trình vận hành doanh nghiệp
 

Luật sư Lê Văn Hồi cho rằng, các lỗi cơ bản thường gặp khi thành lập và vận hành doanh nghiệp chủ yếu nằm ở vấn đề đăng ký kinh doanh, thỏa thuận đồng sáng lập, quyết toán thuế và sở hữu trí tuệ.

 

Trước hết, nhiều doanh nghiệp đăng ký với số vốn không đúng so với thực tế, thường ở mức quá cao hoặc đăng ký vốn ảo do hiện nay theo luật, doanh nghiệp không còn phải chứng minh số vốn. Bên cạnh đó công tác kiểm tra vốn góp còn nhiều hạn chế, dẫn đến hậu quả doanh nghiệp bị xử phạt hành chính và nhiều vấn đề khác liên quan đến quyết toán thuế và tranh chấp sở hữu cổ phần giữa các sáng lập viên về vấn đề góp vốn.

 

Yếu tố quan trọng tiếp theo mà doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng, đó chính là không có thỏa thuận giữa các sáng lập viên liên quan đến các vấn đề như: công việc, lợi nhuận, rủi ro, vị trí, quyền hạn. Nhiều doanh nghiệp sử dụng những mẫu thoả thuận, biên bản có sẵn trên mạng, hết sức cơ bản và sơ sài, không mang tính chất đặc thù cho doanh nghiệp và sau này sẽ gây bất lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp.

 

Thứ ba, nhiều startup hiện nay chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, nhưng bỏ qua vấn đề về quản trị doanh nghiệp và thuế. Có những đơn vị tự kê khai thuế nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật thuế cơ bản, thậm chí dẫn đến bị xử phạt do không kê khai thuế hoặc kê khai thuế sơ sài. Ông Hồi cho rằng, cho dù không có doanh thu, hay “báo cáo trắng”, doanh nghiệp vẫn cần chú ý kê khai, báo cáo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

 

Thứ tư nằm ở vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Luật sư Hồi cho hay: “Hiện nay mức độ tuân thủ về bản quyền, sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn ở mức thấp, do vậy đã có nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ và nhãn hiệu”. Nhiều doanh nghiệp hiện nay không đăng ký nhãn hiệu, cũng như không chuyển giao toàn bộ công nghệ của mình cho Cục Sở hữu trí tuệ. Do vậy, doanh nghiệp cần chú trọng về vấn đề này để tránh những hậu quả cũng như tranh chấp pháp lý liên quan.

 

Đồng tình với những quan điểm trên, ông Hoàng Minh Đức khẳng định, doanh nghiệp cần đặc biệt ý thức tầm quan trọng của vấn đề pháp lý, bởi chi phí khắc phục hậu quả pháp lý trong tương lai lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để phòng ngừa rủi ro ngay từ ban đầu. Hiện nay có rất nhiều cách tiếp cận vấn đề pháp lý doanh nghiệp, điển hình là nhờ tới sự tư vấn, hỗ trợ đến từ các luật sư trong nước.

 

Ảnh sự kiện: https://bom.to/3AYZHwk

-----
 

Về chuỗi sự kiện 1H CHO STARTUP

Nhằm chuẩn bị cho các doanh nghiệp nền tảng pháp lý cơ bản trong thành lập, vận hành doanh nghiệp và các hỗ trợ tư vấn cần thiết tới từ đội ngũ các chuyên gia, luật sư trong cộng đồng khởi nghiệp trong nước, UPGen kết hợp cùng Văn phòng Đề án 844 tổ chức series workshop mang tên "1H cho khởi nghiệp". Tại đây, những khúc mắc về các vấn đề pháp lý trong từng giai đoạn khởi nghiệp sẽ được các diễn giả là các chuyên gia tư vấn pháp lý, luật sư trong mạng lưới từ Đề án 844, Bộ KH&CN và UPGen giải đáp.

 

Chương trình bao gồm 8 buổi hội thảo được tổ chức từ nay - cuối năm 2020 với nội dung dự kiến từng buổi như sau:

- Chuyên đề 1: Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn đầu khởi nghiệp

- Chuyên đề 2: Bảo hộ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo

- Chuyên đề 3: Pháp lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng

- Chuyên đề 4: Luật pháp liên quan đến thuế, kế toán

- Chuyên đề 5: Các thủ tục và những lưu ý cần thiết khi gọi vốn

- Chuyên đề 6: Pháp luật về tài chính

- Chuyên đề 7: Pháp luật về thành lập quỹ, liên kết quỹ và các vấn đề liên quan đến quỹ

- Chuyên đề 8: Các hình thức huy động vốn, IPO

Theo dõi thông tin chươg trình tại: http://dean844.most.gov.vn/

----
 

Về Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (Đề án 844)

Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp.

----------------------------------------

(Chị) Hồ Thị Ly Na – Cán bộ phụ trách truyền thông Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học & Công nghệ

Điện thoại: +84 97 711 7150

Email: hltna@most.gov.vn | vanphongdean844@most.gov.vn

 

Bình luận Facebook

Mục tiêu dự án

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp