Bộ khoa học & công nghệ

Đề án Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025

Việt Nam - Điểm nóng của đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á


Trong báo cáo "Southeast Asia Ecosystem 2.0" mới phát hành của Golden Gate Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm này cũng nhận định Việt Nam là "ngôi sao đang lên" của Đông Nam Á và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba khu vực vào năm 2022.

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC).
 


Bùng nổ quỹ đầu tư mạo hiểm

Ra đời năm 2004, IDG Ventures Vietnam (IDGVV) được coi là quỹ VC đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, với hàng loạt thương vụ đầu tư vào các startup như VNG, Vật giá, VCCorp... Sau IDGVV, số lượng quỹ VC tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua. Bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài, nhiều quỹ đầu tư nội địa cũng liên tiếp ra đời, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp còn non trẻ.

Theo Hải Nguyễn - Đồng sáng lập, Giám đốc tài chính công ty Flyer.vn và Genesi Creative, so với 10 năm trước, cơ hội để startup Việt tiếp cận các quỹ VC đã “dễ dàng hơn cả chục lần”.

“Vào những năm trước 2012, số lượng quỹ VC đầu tư vào Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết là quỹ nước ngoài. Nếu bị từ chối, các công ty công nghệ thời đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, không có nguồn lực để tăng trưởng, tỷ lệ thất bại gần như là 99%”, Hải Nguyễn – người từng lọt vào Top 30 under 30 năm 2017 của Forbes châu Á – chia sẻ.
 


Trao đổi với Người Đồng Hành, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đồng sáng lập Do Ventures cho biết Việt Nam hiện có khoảng hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm. Số lượng các quỹ VC tại Việt Nam tăng mạnh trong vòng 3 năm qua, với dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tăng hơn 8 lần và số lượng thương vụ thành công tăng hơn 4 lần trong giai đoạn 2016-2019.

“Trước khi Covid-19 xảy ra, đầu tư công nghệ tại Việt Nam đạt đỉnh trong năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực đối với các nhà đầu tư, chỉ sau Indonesia và Singapore”, bà Vy nói.

Phân tích về lý do thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm, đồng sáng lập Do Ventures cho rằng Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, có lợi thế dân số gần 100 triệu người với cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mới nổi. Bên cạnh đó, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đạt gần 70 triệu, tỷ lệ sử dụng di động vào khoảng 70% dân số.

“Thị trường Việt Nam đã đạt đến quy mô đủ lớn để các quỹ VC nhìn vào và tìm kiếm cơ hội”, bà Vy nhấn mạnh.
 


Còn theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc quỹ Nextrans tại Việt Nam, số lượng quỹ VC dù đã tăng đáng kể nhưng so với các nước trong khu vực như Singapore hay Indonesia, con số đó vẫn còn ở mức khiêm tốn.

“Tôi cho rằng chúng ta nên tập trung vào chất lượng hơn số lượng, vì việc lập một quỹ không khó, nhưng giải ngân được bao nhiêu và hiệu quả thế nào mới là câu chuyện quyết định sự thành bại của quỹ nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung”, bà Tuệ Lâm nêu quan điểm.

Quỹ nội đóng vai trò quan trọng trong đại dịch

Theo một báo cáo do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thực hiện, 2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với bối cảnh đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu, trong đó thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Báo cáo ghi nhận Việt Nam có 105 thương vụ đầu tư vào startup trong năm 2020. Con số này giảm 17% so với năm 2019 và đứng thứ ba tại Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia.

Trong khi đó, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Cũng theo báo cáo này, sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I năm ngoái, hoạt động đầu tư mạo hiểm đã bắt đầu hồi phục từ quý II.
 


Trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong năm 2020 cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đến từ Hàn Quốc và Singapore được đánh giá hoạt động tích cực nhất, trong khi số lượng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản có giảm đáng kể.

Năm 2020 cũng chứng kiến sự phát triển mạnh của các quỹ đầu tư trong nước. Do Ventures ghi nhận hơn một nửa trong tổng số thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa.
 

Vốn đầu tư vào các nước Đông Nam Á những năm gần đây.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, sự ra đời liên tục của các quỹ nội địa trong thời gian gần đây là tín hiệu tốt cho startup Việt. Với nhà đầu tư nước ngoài, vùng đầu tư mong muốn của họ là từ vòng A+ trở đi khi kết quả hoạt động của các công ty đã tương đối rõ ràng để thẩm định. Điều này tạo ra khoảng trống trong các khoản đầu tư giai đoạn đầu từ 0,5 - 1 triệu USD.

“Chính các quỹ đầu tư nội địa, với am hiểu sâu sắc về thị trong nước và lợi thế gần gũi về mặt địa lý, sẽ giúp lấp đi khoảng trống này và mang lại nguồn vốn ban đầu rất cần thiết cho sự sinh tồn của startup”, đồng sáng lập Do Ventures nhận định.

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm đánh giá sự ra đời của các quỹ nội và sự tham gia của những đàn anh khởi nghiệp (Momo, VNG) tạo đà rất lớn cho sự bùng nổ các startup trên thị trường, đồng thời dịch chuyển sự cân bằng về nguồn vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo Giám đốc Nextrans Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước là điểm đến phù hợp với các startup cần gọi vốn nhanh, quy mô vừa phải và tìm kiếm "synergy" - sự đồng chất trong quá trình hợp tác.

“Tôi tin rằng các quỹ nội cũng như các đàn anh đi trước hoàn toàn có thể hỗ trợ và đồng hành với các startup đủ lâu và hiệu quả không thua kém các quỹ ngoại”, bà Tuệ Lâm nói.

Nói về sự cạnh tranh giữa các quỹ, bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết trên thực tế thường xuyên có sự hợp tác đầu tư giữa quỹ nước ngoài và quỹ nội địa, nhất là trong bối cảnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia như hiện nay.

“Quỹ nội có thể giúp các quỹ nước ngoài rất nhiều trong quá trình thẩm định, vì vậy môi trường đầu tư mạo hiểm hiện tại mang tính chất hợp tác hơn là cạnh tranh”, đồng sáng lập Do Ventures nói.

Phá bỏ rào cản và thu hút thêm nhiều quỹ VC

Với nhiều yếu tố hấp dẫn, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 (Vietnam Venture Summit 2020), 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào startup Việt trong giai đoạn 5 năm 2021-2025. Báo cáo của Golden Gate Ventures cũng nhận định rằng các quỹ VC sẽ tăng cường việc rót vốn vào các startup giai đoạn đầu của Việt Nam trong năm 2022 và số lượng các thương vụ sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, các quỹ VC cũng gặp phải một số rào cản khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, trong thời điểm hiện tại, tác động của Covid-19 kéo theo những biến động trên thị trường toàn cầu và hạn chế về di chuyển là một trong những trở ngại hàng đầu đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà Vy cho rằng một rào cản thường thấy khác là hiểu biết về khung pháp lý dành cho đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

“Do không có đầy đủ thông tin, nhiều quỹ còn dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam, nhất là các thủ tục liên quan đến quy trình đầu tư và thoái vốn”, đồng sáng lập Do Ventures nói.

Theo bà Vy, khung pháp lý về việc thoái vốn tại Việt Nam từ lâu đã rất minh bạch và hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư.

“Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ 2020 mới đây của Do Ventures đã đề cập tới vấn đề này với mong muốn cung cấp bức tranh đầy đủ nhất về khung pháp lý hỗ trợ dành cho startup trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đã liệt kê các cơ chế pháp lý nổi bật mà Chính phủ đưa ra trong thời gian gần đây với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam”, bà Vy chia sẻ thêm.
 


Giám đốc Nextrans Việt Nam cho rằng để thu hút các quỹ đầu tư thì yếu tố then chốt vẫn là số lượng các startup đủ lớn, đồng thời chất lượng các startup phải dần được cải thiện.

“Hiện tại, đa phần các startup ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn sớm như seed, pre-seed, trong khi các quỹ nước ngoài hướng đến những startup trưởng thành hơn, với quy mô lớn hơn. Đồng thời, sự tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng góp phần rất lớn trong việc tạo dựng một thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư”, bà Lê Hàn Tuệ Lâm nói.

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, về cơ chế chung, Chính phủ Việt Nam đang từng bước ban hành những cơ chế khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm vào startup. Các khung pháp lý thử nghiệm dành cho các loại hình kinh doanh mới cũng đang dần được hình thành để mở đường cho cả startup và nhà đầu tư.

Từ phía startup, bà Vy cho rằng có 3 yếu tố cơ bản để thu hút nhà đầu tư. Thứ nhất, ngoài năng lực vận hành, đội ngũ sáng lập cần chứng minh được hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình đang hoạt động để tạo lòng tin với nhà đầu tư. Thứ hai, startup cần có khả năng xây dựng được công nghệ cốt lõi cho mô hình kinh doanh của mình.

"Và thứ ba, khi tiếp xúc với nhà đầu tư, các nhà sáng lập cần có sự chuyên nghiệp và chỉn chu ngay từ khâu chuẩn bị tài liệu gọi vốn để truyền tải tốt nhất chất lượng startup của mình", đồng sáng lập Do Ventures đưa ra lời khuyên. 
 

Theo ndh.vn


Bình luận Facebook

Mục tiêu dự án

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp

Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp